- Published on
Vượt Qua Khủng Hoảng "Tôi Không Biết"
Chuyển việc lần đầu tiên sau hơn 4 năm gắn bó với công ty cũ là một bước ngoặt lớn đối với mình. Mặc dù đã có kinh nghiệm với nhiều dự án, nhưng tất cả đều vận hành theo một khuôn mẫu quen thuộc. Mình từng tự tin rằng mình đã đủ kiến thức và kỹ năng để xây dựng và vận hành bất kỳ dự án nào.
Tuy nhiên, môi trường mới, cách làm việc mới tại công ty hiện tại đã khiến mình đối mặt với "cơn khủng hoảng" thực sự. Những công việc tưởng chừng đơn giản trước đây bỗng trở nên xa lạ, đặt ra những thách thức nằm ngoài "từ điển" kinh nghiệm của mình.
Khủng Hoảng với những thứ mình thiếu sót
1. Kiến thức "lạ"
Trong môi trường mới, mình bị "choáng ngợp" bởi lượng thuật ngữ và từ khóa kỹ thuật mà mình chưa từng tiếp cận. Các cuộc họp trở thành nỗi ám ảnh khi đồng nghiệp, với kinh nghiệm phong phú từ nhiều công ty khác nhau, liên tục đưa ra những giải pháp và thảo luận bằng nhiều thuật ngữ “mới” và “xa lạ” với cá nhân mình.
2. Dè dặt khi đưa ra ý kiến
Sự khác biệt về kiến thức và kinh nghiệm khiến mình cảm thấy tự ti khi đưa ra ý kiến cá nhân. Mình e ngại việc bị "soi mói" và không đủ tự tin để bảo vệ giải pháp của mình trước những câu hỏi khó từ đồng nghiệp.
Tại sao có sự khủng hoảng này?
Sự khác biệt giữa quy trình làm việc tại công ty cũ và mới chính là nguyên nhân dẫn đến "cơn khủng hoảng" của mình.
Công ty cũ:
- Quy trình linh hoạt, mình có quyền tự chủ trong việc lựa chọn công nghệ và giải pháp.
- Quy trình giải quyết vấn đề đơn giản: Xác định vấn đề - Tìm giải pháp - Áp dụng giải pháp - Hoàn thành.
- Tiêu chí đánh giá thành công dựa trên sự hài lòng của khách hàng.
Công ty mới:
- Quy trình bài bản, yêu cầu sự phân tích kỹ càng và đồng thuận từ các thành viên trong nhóm.
- Quy trình giải quyết vấn đề phức tạp hơn: Xác định vấn đề - Tìm giải pháp - Trình bày và thảo luận giải pháp - Xây dựng giải pháp dựa trên sự đồng thuận - Triển khai.
- Tiêu chí đánh giá thành công dựa trên sự hiệu quả, tính tối ưu và khả năng mở rộng của giải pháp.
Áp lực từ việc phải chứng minh giải pháp của mình với đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, cùng với sự thiếu hụt kiến thức về nhiều công nghệ mới đã khiến mình stress và mất tự tin.
Cách mình xử lý "Khủng Hoảng"
Mặc dù vẫn đang trong quá trình thích nghi, nhưng mình đã tìm ra một số giải pháp giúp bản thân từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này:
1. Ngẫm lại "Không Nên Làm Quá Lâu Ở Một Công Ty":
Lời khuyên này có lẽ không còn xa lạ, nhưng với trải nghiệm của bản thân, mình nhận thấy việc thay đổi môi trường làm việc giúp chúng ta tiếp cận nhiều quy trình, công nghệ và văn hóa làm việc khác nhau, từ đó tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng đa dạng hơn.
2. Tạo "Hũ Không Biết":
Mình lấy cảm hứng từ cuốn sách "Ngày Hôm Nay Hãy Sống Thật Với Trái Tim Mình", mình tạo một ghi chú để lưu lại tất cả những kiến thức, thuật ngữ, công nghệ mới mà mình chưa biết, kể cả những thứ vụn vặt đơn giản nhất. Việc thường xuyên xem lại ghi chú này giúp mình hệ thống hóa kiến thức và như một cách gom nhặt kiến thức từ đồng nghiệp.
3. Biến Nỗi Sợ Hãi Thành Cơ Hội:
"Hũ không biết" giúp mình nhận ra rằng mình vẫn đang học hỏi mỗi ngày và còn rất nhiều điều mới mẻ để khám phá. Thay vì sợ hãi, mình dần cảm thấy hứng thú và chủ động tìm kiếm những kiến thức mới, từ đó tự tin hơn khi đóng góp ý kiến và giải pháp.
Những thứ nhỏ nhặt trong “hũ không biết” của mình:
- Husky trong Front-end là gì?
- Interceptors là gì?
- Pre-commit có thể tạm thời thay thế CI/CD khi chưa có cơ sở hạ tầng?
- React Syntax Highlighter dùng để làm gì?
- ...
Và cuối cùng
Hành trình thích nghi với môi trường mới vẫn còn nhiều thử thách, nhưng mình tin rằng với sự cầu tiến và mong muốn học hỏi, tôi sẽ nhanh chóng hòa nhập và phát triển bản thân.
Bài viết này là những chia sẻ chân thực về hành trình chuyển đổi của mình. Hy vọng nó sẽ hữu ích cho những ai đang gặp "vấn đề tương tự".
Mình luôn mong muốn học hỏi cũng như nhận được những phản hồi và chia sẻ kinh nghiệm từ mọi người nên hy vọng mọi người đừng ngần ngại góp ý.